Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Thể Công và trận cầu lịch sử sau 30/4/1975 (KQ-TV)

(Ghi theo lời kể của Trung vệ Trần Văn Thành, cựu cầu thủ Thể Công lứa 1971-83).

Anh là cháu gọi cựu danh thủ Nguyễn Sỹ Hiển (Đại tá, nguyên Đoàn trưởng Thể Công lứa 1961) là cậu. Anh Hiển là em út trong gia đình mẹ của Thành (có tên húy "Voi" vì lúc vào đội, khi đo giày có số "khủng" quá cỡ - 42!).
Thành "voi" nhớ lại:
- Trận bóng ghi lại dấu ấn nhất trong đời cầu thủ của tôi là trận Thể Công đá với Cảng Sài Gòn ngày 20/5/1979 (ngày sinh nhật của Mẹ tôi). Đây là trận thi đấu đầu tiên giữa 2 đội bóng đá chuyên nghiệp lừng danh của 2 miền Nam-Bắc sau ngày thống nhất 30/4/1975.
- Trận này căng thẳng lắm? - PV.
                    Đội hình Thể Công đá với Cảng SG 1979. Thắng với tỷ số 2-1.
Hàng đứng (từ trái sang): HLV Ngọc Chi, Đỗ Văn Phúc, Hải (duối), Đức (khổ), Nguyễn Trọng Giáp, Trần Văn Khánh, Nguyễn Cao Cường, Trần Văn Thành "voi", Trần Triệu Tuấn "thần", Quản Trọng Hùng, HLV Nguyễn Bính. 
Hàng ngồi (từ trái sang): Bùi Ngọc Chi (cố), Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Tiến Lâm, Trần Tiến Dũng (mè), Phan Văn Mỵ, Trần Viết Cường, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Văn Nhật.


- Vâng, căng lắm. Toàn đội "cấm trại" 2 tuần trong Trại David, sân bay Tân Sơn Nhất. Những ngày đóng quân, Thủ trưởng của các Quân khu, các đơn vị đến động viên. Chú Hồ Bá Phúc "Bí thư Đảng ủy QK9 "cho sâm nhung quý, cô Hồ Thị Bi (người chăm sóc Bác Hồ) cho hàng xe tải trái cây... Toàn thể anh em rất cảm động trước tình cảm quý báu đó và tự bảo nhau xác định tinh thần trách nhiệm cao nhất với Bộ Quốc phòng. Chú Quýnh, chú Thắng quản lý rất chặt, toàn bộ thư từ bên ngoài gửi vào đều qua kiểm duyệt, điện thoại không được sử dụng.
- Lúc đó làm gì có điện thoại di động? - PV.
- Điện thoại bàn thôi, nhưng anh em trong đội cũng có gia đình, người thân ở Tp, có anh có cả người yêu... Mọi thông tin của đội cùng đấu pháp không được phép lọt ra ngoài. Duy nhất chỉ những lần ra sân tập là đi bằng xe ca biển đỏ.
- Đội hình chính lúc bấy giờ? - PV.
- Dạ, lứa 1965 có các anh Đẻn, Khánh, Giáp, Mỵ, Hải, Nhật, Chi "cố"... và lứa 1971 có Cao Cường, Thành "voi", Viết Cường, Tuấn "thần", Phúc "cóc", Quản Trọng Hùng, Đức "khổ", Dũng "mè"...  Thủ trưởng Bộ, BTTM và Cục Quân huấn hạ quyết tâm phải chiến thắng. Anh em hừng hực.
Chiều hôm đó, ra sân Thống Nhất có xe Jeep Quân cảnh hụ còi dẹp đường, ngay sau là xe M113, xe đội bóng kẹp giữa, kết là 1 chiếc M113. Nói chung rất căng thẳng.
Khi tới sân, xe Quân cảnh dẹp chỗ cho xe ca lùi đít vào cổng, anh em cầu thủ xách đồ vào sân. Khán giả đã trám kín chỗ. Đan xen trong khán giả có cả màu áo xanh của lính cùng quân cảnh đeo băng đỏ. Thỉnh thoảng thấy trên khán đài súng nổ lẹt đẹt. Tâm lý thi đấu căng thẳng.
- Đội hình Cảng Sài Gòn? - PV.
- Có các anh Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Văn Tư (Tư Lê), Dương Văn Thà, Mười, Thăng, Ngôn, Trung "sói", Quang (anh ruột Nguyễn Kim Hằng), Ngọc, Sinh "đen" và  Lưu Kim Hoàng (thủ môn).
- Trận đấu diễn ra thế nào? - PV.
- Ngay từ phút đầu, 2 đội thăm dò nhau, đá chậm, kéo đội hình đội bạn giãn ra. Được chục phút, Thể Công được hưởng quả phạt góc ở góc phải. Đỗ Văn Phúc ("cóc") thực hiện quả phạt này. Phúc đá mu căng chân phải, bóng đi theo hình trái chuối, vượt qua tầm kiểm soát của thủ môn, bay vào góc xa bên phải, vào lưới. Cả cầu trường ồ lên, vỗ tay tán thưởng cú sút điệu nghệ, hiếm có đó. Anh em Thể Công mừng vui, đuổi theo Phúc chúc mừng. Quá sướng, anh ạ! 
Nhưng đội bạn gồm những cầu thủ sành sỏi. Trước 1975 đội Tuyển VNCH cũng khét tiếng trong khu vực Đông Nam Á, từng đoạt cúp Merdeca. Từ quả phạt góc bên trái tạt vào, Mười ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho Cảng Sài Gòn.
Nghỉ giải lao 15', Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Khánh xuống tận đường piste động viên: Ta đã đi nửa chặng đường vẻ vang, các em cố gắng nốt 45' nữa!
- Sau đó thế nào? - PV.
- Vâng, trận đấu tiếp tục, 2 đội giành nhau từng đường bóng, cản phá quyết liệt. Y tế phải vào chăm sóc liên tục. Chỉ còn chừng chục phút, trong đợt tấn công từ biên trái, anh Đẻn tạt bóng vào trung lộ, Viết Cường từ bên phải lao vào đánh đầu, bóng lọt qua háng thủ môn Lưu Kim Hoàng. Thật vô cùng sung sướng! Cả cầu trường lặng đi trong giây lát rồi vỡ òa lên: "2-1 cho Thể Công! 2-1 Thể Công!". Viết Cường sướng quá, cởi phắt áo ra, thay cờ phất cao trên đầu, chạy quanh sân. Đồng đội chạy theo sau như 1 đoàn tầu. (May mà lúc ấy chưa có điều khoản "phạt thẻ vàng" khi tự ý cởi áo!). Lính tráng dự khán thì khỏi nói, nhảy cẫng lên, tung mũ cối chào mừng.
Hết 90', thủ trưởng Cao Văn Khánh xuống sân bắt tay và ôm từng cầu thủ. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên gò má vị Tướng già từng xông pha trận mạc ngày nào, nay chứng kiến những người lính trẻ vừa hoàn thành nhiệm vụ. Ông biểu dương: "Các đ/c đã mang chiến thắng vẻ vang cho Quân đội! Các đ/c Thể Công trẻ đã xứng đáng kế tục lớp Thể Công già!".
Đó là kỷ niệm khó phai trong tôi.

Câu chuyện này xin tặng những ai đã từng khoác áo Thể Công, đặc biệt tặng Phúc "cóc", Viết Cường  - 2 cầu thủ ghi bàn trong trận đấu lịch sử, cùng tất cả bạn bè trong ngày trang "cuucauthuqdtphcm" kết nối với "fc.vlc-berlin.de".

7 nhận xét:

  1. Đây là trận đầu tiên của các đội chuyên nghiệp ở 2 miền Nam, Bắc vào thi đấu sau ngày thống nhất 30/4/1975. Nó mang tính lịch sử vì: đất nước đã thống nhất được 4 năm nhưng bao nhiêu việc phải làm và cũng phải sau chừng ấy năm mới "thống nhất" được trong thể thao bóng đá.
    KQ

    Trả lờiXóa
  2. với thông tin này chúng tôi càng hiểu tầm cỡ Thể công như thế nào trong tâm trí Người hâm mộ. Liệu có thể có cuộc hội ngộ của những người đã từng tham gia trận đấu Lịch sử này không, vì đã có người ra đi vĩnh viễn rồi đó.

    Trả lờiXóa
  3. Gửi chú Quốc và chú Thành Voi: Trận đấu đầu tiên giữa 2 đội chuyên nghiệp ở 2 miền Nam-Bắc sau ngày đất nước thống nhất là trận Tổng cục đường sắt gặp CSG,trong chuyến du Nam,TCĐS còn gặp Tây Ninh,Tiền Giang,Cần Thơ,Hải Quan.
    Duonghg72-thecong.com.vn

    Trả lờiXóa
  4. Dương nói đúng, bấy giờ có những giải nhỏ tổ chức, có các đội của 2 miền tham gia. TCĐS cũng là 1 trong những đội mạnh vào "đá thử". (Tổng cục TDTD cũng có những e ngại).
    Còn Thể Công và Cảng SG là 2 đội mạnh nhất của mỗi miền gặp nhau, được coi là "sự thông thương chính thức về bóng đá nói riêng, và TDTT nói chung".

    Trả lờiXóa
  5. Chuyến du đấu của TCĐS năm 1976 vào các tỉnh phía Nam do bộ giao thông tổ chức. Trước đó, tháng 7/1975 Bộ quốc phòng đã cử các đội bóng Quân đội như Phòng không không quân, Quân khu hữu ngạnv.v. vào phục vụ bà con vùng mới giải phóng và giao hữu bóng đá với các đội phía nam rồi.
    Trận Thể công gặp Cảng Sài gòn là trận đấu chính thức và công khai giữa 2 miền do Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức. Trong thời gian đó Thể công có 7 Cầu thủ tuyển quốc gia, Cảng Sài gòn có 7 Cầu thủ tuyển VNCH trước đó. Vì thế nó mới được coi là trận cầu Lịch sử giữa 2 miền sau giải phóng

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn câu giải thích đầy đủ hơn.

    Trả lờiXóa
  7. Đây là trận đấu được nhiều người trông đợi vì nhiều lý do ; thứ nhất hai miền nam và Bắc vẫn còn ganh tài nhau ; sau giải phóng nước ta chưa tổ chức được giải bóng đá cả nước; năm 1976 đội TCĐS vào thi đấu thì lúc đó đứng vị trí thứ 2 miền bắc ( sau giải Hồng Hà ) tuy thắng CSG nhưng lại thua TCHQ ; do vậy 1979 đôi Thể công lúc đó được đánh giá là mạnh nhất miền bắc ; đội Cảng SG mạnh nhất miền nam so gang là điều rất thú vị mà rất nhiều người trông đợi . Kết quả thì mọi người đều biết rồi chỉ tiếc bây giờ băng hình còn tốt cho mọi người xem lại thì hay biết mấy ( Lúc đó tôi đang ở Căm pu chia nghe tường thuật qua radio ).

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.