Đội Sao Đỏ năm 1972 tại sân Vĩnh Yên. Thầy Bùi Đức là HLV (đứng thứ 3 từ trái). |
Cũng có lần được chú Dịp, lái xe của cha (khi đó đã chuyển sang Bộ Ngoại giao), đưa đi xem đội cơ quan đá với đội Thể Công ở sân Cột Cờ. (Đội ta thua là cái chắc, nhưng sướng là được vào sân). Mấy ông anh lớn hơn thường ra sân xem các chú tập. Ấn tượng nhất là hình ảnh chú Bùi Đức có cái cằm bạnh, quay mặt vào lưới, khi nghe tiếng hô của HLV thì tự xác định hướng bóng, rồi phản xạ quay lại vồ lấy bóng.
Năm tôi lên học Đại học KTQS thì chú Đức được phân công về Phòng Quân sự làm giáo viên TDTT. Chú xây dựng đội bóng Sao đỏ với các cầu thủ Dương Tuấn, Công, Hòa "tầu", Ngô Sơn, Cơ, Lê Trung Nghĩa, Hà Quang Chí "dô", Dương Minh Đức, Khoa "móm", Tuấn "ba tê", Trọng, Hoa Chiến, Khúc Văn Nghi, Đoàn Mạnh Giao, Vũ Toàn Thắng, Bùi Nam, Nguyễn Chiến, Đoàn Mạnh Hưng...
Chú cháu cùng "dân Lục quân" nên quý nhau. (Sau này tôi cũng được tham gia nhưng ăn đội hình chính, đá đội hình phụ. Chắc vì thân quen thầy Đức?).
Cũng vì hay "đi đêm" (mời thầy uống trà ngon Hồng Đào và hút thuốc lá thơm Thủ đô, Điện Biên bao bạc do Nguyễn Hữu Lập ("ngố") con cụ Nguyễn Hữu Thọ cung cấp) mà đội bóng Khoa Vô tuyến chúng tôi thường được trọng tài Bùi Đức thổi thiên vị nhưng "đúng luật", để thắng đội Khoa Cơ điện có "trình" ngang ngửa và có phần trội hơn.
Trận trung kết năm 1973, đội Cơ điện đang thủ hòa 1-1. Có quả phạt 11m mà đội Vô tuyến được hưởng. Trung phong Dương Tuấn (sau này là Cục phó Cục Quân huấn) điệu đà hôn vào quả bóng rồi đặt vào chấm phạt đền, lững thững lùi ra xa. Sau hiệu còi của trọng tài thì chạy vào sút. Vậy mà thủ môn Dương Minh Đức (sau này là NSƯT, hiệu phó Đại học VHNTQĐ) bay ra, ôm gọn. Cả cầu trường lặng đi. Khán giả Khoa Vô tuyến hụt hẫng, còn Khoa Cơ điện bỗng chốc bừng tỉnh, hò hét sung sướng.
Trên sân, Chí "dô" sướng quá chạy lại ôm Minh Đức. "Toét", trọng tài Ba Xương nổi hiệu còi và chỉ tay vào chấm phạt đền. Cả sân ngơ ngác. Trọng tài tuyên bố ráo hoảnh:
- Bóng đang sống, Chí ôm vào người Đức, tức là tay chạm bóng. Trong vòng 16m50, phạt 11m!
Đúng quá mà ức quá! Trung Nghĩa nhận đá quả này. Anh em Vô tuyến muốn được xơi cho chắc cú. Còn anh em Cơ điện thì oán giận. Nghĩa đã hành xử ra sao, vì bên kia cũng toàn bạn? Và... Nghĩa đã cố tình đá bóng vọt xà ngang. Quá là "Lương Sơn Bạc"!
Rồi những lần thầy Đức đưa đội Quân sự xuống đá Giải toàn quân ở sân Cột Cờ, có lần được chọn làm "quân xanh" cho Thể Công. Giới thiệu thủ môn Khánh, các anh Đẻn, Thêu, Mỵ... thầy tự hào: "Thể Công trẻ của thầy đấy!".
Năm 1976, đội QK Thủ đô - niềm hy vọng của Cục Quân huấn chuyển lên A1 sau giải này, bị thủ hòa 1-1 với đội Quân sự do thủng lưới từ cú sút phạt cách xa 40m của tiền vệ Khúc Văn Nghi. Không vào sâu, QK Thủ đô hết hy vọng. Thủ trưởng Cục giận mà bất lực. (Chuyện này Ngô Lê Bằng còn nhớ).
Có lẽ vừa là lính vừa đam mê bóng đá nên tình yêu với Thể Công càng lớn dần. Chú Đức sau ngày rời trường, về lại Cục Quân huấn vẫn qua lại thăm mẹ tôi. Mẹ tôi rất hiểu và chia sẻ khi gia đình chú bị quy là dân Tàu (vì vợ chú gốc Hoa đã 3 đời sinh sống ở Nam Định).
Sau ngày mẹ tôi mất (1993), cứ giỗ bà là chú lại đi tầu từ Nam Định lên, mang theo cả buồng chuối cau tới vài chục nải chín vàng: "Đặc sản của Thành Nam đấy. Ngày xưa đây là chuối tiến Vua, dân nghèo không đuợc ăn. Chú phải treo lủng lẳng dưới giá để hàng mới không bị gãy, mang lên thắp hương cho bà chị".
Có lần họp mặt Học viện KTQS trong TpHCM, chúng tôi mời chú vào, tặng cả khầu súng thể thao vì biết thầy mê săn chim. Anh em tâm sự: "Thầy trường Quân sự thì có nhiều nhưng được quý mến như thầy Bùi Đức chỉ có một. Thể thao, bóng đá làm thầy trò gần nhau".
Những lần ra HN, có điều kiện tôi lại phi xe về Nam Định, tạt qua thăm cô chú. Con người vang bóng 1 thời, ngậm ngùi: "Giờ chú hết đạp xe đi HN, HP được rồi. Đã ngoài 80. Hết oanh, nay liệt rồi... Nhưng có gì vui, buồn nhớ báo chú!".
Với anh em, bạn bè Thể Công sau này cũng vậy, chơi thân với 1 số như anh Đẻn, Cao Cường, Thành Voi (bạn học cùng Hữu Nghị em tôi), Viết Cường, Tuấn "thần"...
Chính tôi lại là thằng được chứng kiến ngôi nhà 2 tầng dùng làm nhà ở của Thể Công, rồi bể bơi, hội trường chính đến khán đài... bị đập. Ngậm ngùi, chua xót, nuối tiếc.
Và tôi được cùng anh em CLB Những Người Bạn (nối tiếp của đội Sao Mai) đá trận cuối cùng - trên đúng sân Manzin Cột Cờ - trước khi máy ủi ủi những nhát đầu tiên, chuẩn bị sân tế cho Lễ hội 1000 năm Thăng Long. Lúc đó là tháng 5/2010.
Tôi yêu Thể Công và các cựu cầu thủ QĐ từ những việc nho nhỏ như thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.