Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Trang Thơ chủ nhật: Thơ vui... (ST: Thu Thủy k42HV)

THƠ VUI TẶNG MẸ VỢ
                     Trần Đăng Khoa

Mẹ từng lặn lội suốt đời
Trên những cánh đồng hoang dại
Tìm ánh trăng non ngàn xưa
Tỏa mát màu da con gái
                    *
Mẹ vượt qua bao đỉnh núi
Trập trùng rừng mộng suối mơ
Chọn những sắc hoa đẹp nhất
Làm nên làn môi thơm tho
                    *
Rồi mẹ ngược miền thiếu nữ
Lọc từng nét đẹp vẻ xinh
Kiếm nỗi dịu dàng muôn thuở
Chuốt nên vóc dáng con mình
                    *
Mẹ trao thiên thần của mẹ
Cho một chàng trai nghèo nàn
Thế là con thành ông chủ
Bỗng nhiên giàu nhất thế gian…
                                        1998


Lời bình:
 
      Trên đời này, ai cũng có hai người mẹ. Nếu sinh ra là trai, ta còn có mẹ vợ; là gái, ta còn có mẹ chồng. Mẹ vợ, mẹ chồng cũng ân đức cao dày như mẹ đẻ, đáng ngợi ca nhiều mới phải. Thế mà nghệ thuật và thơ ca hãy còn nặng nợ!

      Thơ về mẹ chồng, kể cũng đã có mấy bài hay. Còn mẹ vợ? Có lẽ bài này của nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn đang là của hiếm.

      Với cái nhìn mới mẻ và sắc sảo trong giọng thơ vui, nhà thơ đã đánh giá đối tượng bằng giác độ thẩm mĩ, bằng sự cảm nhận về cái đẹp. Từ đó, hóa thân vào nhân vật trữ tình chàng rể, anh đã nói đúng vào đặc trưng của phái đẹp. Trên cái nền ấy, chàng rể đã phát ngôn một cách đích đáng về công lao to lớn của mẹ vợ. Đó là công mẹ sáng tạo ra công trình cái đẹp để cho riêng chàng thụ hưởng.

      Ở ba khổ thơ đầu, trong tưởng tượng về quá khứ, chàng rể hình dung ra và đặt mẹ trong một trường hoạt động giữa không gian bao la và thời gian đằng đẵng. Mẹ đã "lặn lội suốt đời" trải bao gian lao vất vả để "tìm ánh trăng non ngàn xưa", rồi "vượt qua bao đỉnh núi" nơi "rừng mộng suối mơ" để "chọn những sắc hoa đẹp nhất"; lại "ngược miền thiếu nữ" thơ mộng xa xôi để "lọc từng nét đẹp vẻ xinh" mà dồn tụ vào cho con gái. Nghĩa là, toàn những thứ kết tinh quý hiếm của thiên nhiên tạo hóa không thể mua kiếm đâu ra! Tác giả đã khéo chọn những động từ chỉ hoạt động đặt vào đầu câu: kiếm, tìm, lọc, chọn để diễn tả sự dày công, chắt chiu, cần mẫn…Rồi bằng tất cả kì công và tài hoa của một người nghệ sĩ, mẹ đã "chuốt nên" hình hài "vóc dáng con mình" tuyệt đẹp. Từ hình tượng, quan niệm thẩm mĩ hiện đại "nhất dáng, nhì da, thứ ba nét mặt" được gợi ra từ "màu da con gái", từ "làn môi thơm tho" và từ "nét dịu dàng muôn thuở". Đúng là cả một lâu đài nhan sắc! Người đọc lại dễ nhận ra, mọi tưởng tượng và những lời thơ đẹp dành cho mẹ đều cất cánh từ hiện thực. Thực tế cho hay, mẹ vốn biết cái lẽ "trai tài- gái sắc" nên sinh con gái ra, mẹ đã cùng bố nuôi dưỡng, dạy bảo đủ điều "công- dung- ngôn- hạnh". Còn việc làm đẹp, làm duyên cho con gái, mẹ coi là thiên chức của mình. Mẹ chăm chút, trau tria từng li từng tí: từ bước đi dáng đứng, đến hàm răng mái tóc, cho đến ánh mắt nụ cười…cốt sao cho con mẹ đẹp sánh thiên thần! Mà đâu phải ngày một ngày hai. Xin thưa, phải hơn hai mươi năm ròng… cục vàng, cục cưng của mẹ mới trở thành một thiếu nữ đẹp xinh và duyên dáng.

     Và…đến lúc, cái công trình thẩm mĩ ấy đạt vào chuẩn đẹp nhất, mẹ đã "trao" của báu này cho chàng rể. Vào khổ thơ cuối, cảm xúc và giọng điệu thơ vui càng được biểu đạt đầy đủ. Vui mà không đùa. Đằng sau cách nói thậm xưng, dí dỏm là sự chân tình. Có người băn khoăn dùng chữ "trao" có quá nhẹ nhàng, đơn giản? Không đâu! Mẹ biết chọn mặt mà gửi…"thiên thần của mẹ" chứ. Truyện Kiều chẳng đã dạy: "Nuôi con những ước về sau/ Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi" đó sao? Cha mẹ nào cũng vậy. Chữ "thiên thần" đặt vào đây vừa tôn vinh được công lao mẹ vợ vừa bộc lộ niềm tự hào về sắc đẹp của vợ mình theo cái lí vững chãi "Thế gian đẹp nhất là người ta yêu". Điều đó tất nhiên! Còn ai đẹp hoa hậu, á hậu ở đâu, thì…Mặc! Tự nhận mình là " một chàng trai nghèo nàn" cũng là cách nói khiêm nhường và hợp lẽ, cốt để đối chọi, làm bật nổi sự giàu có ở trong lời kết:

                                              Thế là con thành ông chủ
                                              Bỗng nhiên giàu nhất thế gian…

    "Bỗng nhiên": một sự chuyển hóa thật mau lẹ về chất. Từ chỗ nghèo nàn, tay trắng, nhờ ơn bố mẹ vui lòng cho con gái kết bạn trăm năm với con mà con đã có tất cả: có người đẹp, có tình yêu, có hạnh phúc- hồng nhan tri kỉ suốt đời…Còn gì bằng… Của vô giá! Vàng bạc, châu báu dẫu có bao nhiêu nào có đổi mua được." Giàu nhất thế gian" cũng phải. Thật là vui vẻ, lạc quan: cả một bầu trời hạnh phúc đang mở ra!

      Có một điều ngoài văn bản khá thú vị: khi cho ra đời bài thơ này, năm 1998, Trần Đăng Khoa chưa phải đã "giàu nhất thế gian". Thế mà anh vẫn thực hiện được cái thiện ý: thay mặt tất cả các chàng rể, vái tặng các bà mẹ vợ bằng "những dòng thơ tươi xanh" này. Bài thơ sẽ nhận được sự "đồng tình, đồng ý", sự đồng cảm sẻ chia của họ. Nếu không tin, thì các cô, các chị, và các bà nữa, hãy mời phu quân mình đọc bài thơ và lời bình này xem!
                                                                                                      Phạm Văn Chữ

1 nhận xét:

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.