Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Trận chung kết Giải vô địch quốc gia 1987 (NTC)

               Sau hơn 4 tháng tổ chức Giải bóng đá toàn quốc (từ ngày 1.3.1987), trận chung kết giữa hai đội Câu lạc bộ quân đội (CLBQĐ) và Quảng Nam Đà Nẵng (QNĐN) được ấn định vào ngày 7.6 tại Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Nghĩa Bình - quê hương của Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Đã 25 năm nhưng không khí  ngày hội bóng đá lớn nhất năm đó vẫn còn dư âm trong tâm trí những người tham gia trận đấu. 
Thể Công vô địch quốc gia năm 1987, trên sân Nghĩa Bình.

               Đội QNĐN được lợi thế về khí hậu, địa phương với khí thế đang lên vì  đây  là lần đầu tiên đội có cơ hội mang Cúp vô địch về tỉnh nhà. Hôm trước trận chung kết, các cổ động viên QNĐN đã có mặt hầu như ở khắp nơi trong Thành phố. Đội CLBQĐ thi đấu bất lợi vì xa hậu cứ Hà Nội, chưa có đủ thời gian làm quen với khí hậu địa phương. Nhưng CLBQĐ lại có một hậu thuẫn cực kỳ lớn mà không có đội bóng nào của Việt nam có được, đó là tại Quy Nhơn có Trung tâm điều dưỡng các cựu chiến binh của Quân khu 5 - họ là những cổ động viên ruột.
               Mấy ngày trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, trong buổi thăm Chợ Hoa Hà Nội, vô tình „Người trong cuộc“ gặp lại Nhà báo – Nhà bình luận bóng đá Nguyễn Duy Vượng, người trước đây từng nhiều năm phụ trách mục Thể thao của báo Thể thao thành phố Hồ Chí Minh. Khi ôn lại những ký ức bóng đá thời trước, ông đã cho xem lại bài viết về đội Vô địch  Giải bóng đá A1 năm 1987 - đăng trên báo Thể thao thành phố. Tờ báo ố vàng, có nhiều chỗ mốc xám do thời gian, đăng ngày 13-6-1987. Trong đó có đoạn: "… Đội CLBQĐ năm nay thực sự không mạnh để đủ sức áp đảo các đội bạn như những năm trước, nhưng lại có sự hồi phục rất nhanh, có bản lĩnh vững vàng, chỉ đạo phù hợp, tổ chức tốt  và đặc biệt có hàng phòng ngự kiên cố. Với 16 trận thi đấu mà đội chỉ  bị thủng lưới 6 bàn thì chứng tỏ hàng phòng ngự thực sự thuyết phục. Với thủ môn Vũ Việt Dũng (1), hàng hậu vệ: Đỗ Văn Phúc (2), Quản Trọng Hùng (3), Lê Đại Dương (5), Đoàn Ngọc Tuấn (4) và tiền vệ phòng ngự Trần Anh Quang (6) - hàng phòng ngự có thể nói là mạnh nhất trong giải năm 1987 này".
               Thực sự mà nói, đội hình CLBQĐ năm 1987  không mạnh so với những năm trước vì đội đang thời kỳ chuyển hóa lực lượng. Cao Cường, Danh Ngọc, Khắc Dũng, Lương Thái đã từ giã sân cỏ, Tiến Lâm chấn thương trước khi bắt đầu vòng 2. Thế hệ Thể công lứa thứ 7 chỉ còn lại Đỗ Văn Phúc và Quản Trọng Hùng nhưng cũng đã bước vào tuổi 32- 33. Nhưng bù lại, lứa Thể công thứ 8 với Đoàn Ngọc Tuấn (hậu vệ) và Vũ Việt Dũng (thủ môn) cộng với các cầu thủ được bổ sung từ các đội bóng Quân đội như  Đại Dương, Anh Quang, Văn Dũng, Đinh Tuấn, Mạnh Hưng đã phát huy xứng đáng vai trò nòng cốt. Ngoài ra lứa Thể công thứ 10 với Đặng Văn Dũng, Trần Thanh Hải, Nguyễn Huy Quý, Nguyễn Văn Hải mặc dầu ở lứa tuổi 19- 20 nhưng cũng đã đủ khả năng đứng vững trên sân. Đặc biệt Đặng Văn Dũng chưa đầy 20 nhưng đã làm tròn trách nhiệm của Cao Cường để lại, với 7 bàn thắng (trong đó có bàn thắng ghi trong trận chung kết), được bầu trọn là "Cầu thủ trẻ hay nhất giải" do báo Long An trao tặng.
               Với sức chứa 20 ngàn chỗ nhưng lượng khán giả ước tính tới 45 ngàn, biến sân vận động thực sự trở thành 1 ngày hội. Tuy giờ khai mạc phải lùi tới 1 tiếng đồng hồ nhưng trận đấu đã thực sự thành công trong sự công tâm của Ban tổ chức, trọng tài và khán giả. Đội CLBQĐ đoạt Cúp Vô địch lần thứ 3 kể từ năm 1980, bắt đầu tổ chức Giải bóng đá toàn quốc.
               Cuối bài viết, đoạn tổng kết về đội vô địch có ghi: "Cũng có thể nói rằng thế mạnh của đội vô địch mùa bóng năm nay chính là khả năng tổ chức và  phát huy sức mạnh tập thể dựa vào bản lĩnh và truyền thống xây dựng từ hơn 30 năm nay".

(Người trong cuộc).

Bài sau: "Rớt nước mắt".

2 nhận xét:

  1. Thấy Phúc CÓc, Dũng Tôn, anh Giáp...

    Trả lờiXóa
  2. trong Ảnh còn thấy có : Trần Vũ-Thủ quân QNĐN, Vũ Như Ý - Đại diện Cục QH, ông Bền, Tuấn thọt, Hải trắng, Hưng chồn, Quang nhẻm v.v.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.