suỐi
nguỒn tươi trẺ
một bí quyết cổ truyền
* Phần ba *
Sau tuần
lễ thứ 10, ông Bradford không còn đều đặn tham gia những buổi gặp mặt hàng tuần
của “Himalaya Club” nữa, nhưng vẫn quan tâm theo dõi chúng tôi. Thỉnh thoảng
ông ghé đến để trình bày một số vấn đề hữu ích và nhân dịp nầy, các thành viên
của nhóm có nêu lên một số thắc mắc. Chẳng hạn như, một số nguời trong nhóm
chúng tôi đặc biệt thắc mắc về sự dinh dưỡng và tầm quan trọng của thực phẩm
trong đời sống. Trong vấn đề nầy, chúng tôi có một số ý kiến khác biệt và vì
thế mọi người quyết định phải hỏi ông Bradford xem mức độ và chủ trương dinh
dưỡng của các Lạt Ma ra sao.
Tuần kế đó, sau khi đã nêu
lên thắc mắc, chúng tôi được ông Bradford trả lời như sau:
Tại tu viện ở Himalaya, khi tôi
còn là một kẻ nhập môn, thì không hề được chỉ định phải ăn những món gì và ăn
với một lượng như thế nào. Mỗi Lạt Ma đều đóng góp phần công sức của mình để
tạo ra những thứ cần thiết cho tu viện và công cụ sản xuất của họ thường rất
thô sơ. Tất cả công việc, kể cả trồng trọt và cày bừa đều thực hiện bằng sức
người. Đương nhiên các Lạt Ma có thể sử dụng trâu bò và nông cụ, nhưng sở dĩ
như thế là vì họ muốn tiếp xúc trực tiếp với đất đai. Họ cho rằng việc trực
tiếp làm việc với đất đai mang lại một điều gì đó hữu ích cho kiếp người. Bản
thân tôi, tôi thấy đây là một kinh nghiệm quý giá mà chúng ta cần phải nếm trải
trong đời bởi nó giúp ta cảm thông với thiên nhiên và hòa nhập vào nó.
Dĩ nhiên các Lạt Ma ăn chay
trường, nhưng không quá cứng nhắc. Họ cũng ăn trứng, bơ và phó mát với một
lượng vừa đủ để giúp cho một số chức năng của não, cơ thể và thần kinh hệ được
hoạt động tốt đẹp. Tuy vậy, họ cử ăn thịt. Với những Lạt Ma thực hành thức thứ
6 - những Lạt Ma khỏe mạnh và cường tráng - thì tôi thấy họ chẳng
cần phải ăn thịt, cá hoặc gà.
Tựa như tôi, hầu hết những
người tìm đến tu viện là những người thế tục, nên họ không có một ý niệm nào về
thực phẩm và mức độ dinh dưỡng. Nhưng chẳng bao lâu sau, họ bắt đầu có những
dấu hiệu tuyệt vời chứng tỏ cơ thể họ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Và
sở dĩ được như vậy là phần nào nhờ ở biết cách thực hành mức độ dinh dưỡng tại
tu viện.
Các Lạt Ma không hề lựa
chọn các món ăn cho chính mình hay nói đúng hơn, họ có rất ít để mà có thể lựa
chọn. Khẩu phần ăn uống của các Lạt Ma gồm các loại thực phẩm bổ ích, lành mạnh
và theo quy định thì mỗi bữa ăn chỉ có một món mà thôi. Điều nầy tự nó đã là
một bí quyết để cường tráng và khỏe mạnh. Khi mỗi bữa ăn ta chỉ ăn một món mà
thôi thì dạ dầy của ta không bị mệt mỏi vì sự thiếu hài hòa (số lượng , chất
dinh dưỡng và hóa tính khác nhau) của các món ăn. Với một bữa ăn có quá nhiều
món, các thức ăn sẽ rối loạn trong dạ dày vì tinh bột không dễ dàng hòa tan với
protein. Chẳng hạn như, nếu bánh mì, đó là một chất bột, được ăn chung với một
chất có nhiều protein, như là thịt, trứng hoặc phó mát thì một phản ứng hóa học
sẽ được thành hình trong dạ dày. Điều nầy không những làm cho dạ dày no hơi,
đưa tới sự mệt mỏi cho cơ thể, mà về lâu về dài còn làm cho tuổi thọ bị giảm
đi.
Hồi còn ở tu viện, rất
nhiều lần tôi đã ngồi ăn chung với các Lạt Ma và bữa ăn chẳng có gì ngoài bánh
mì. Những lúc khác thì chúng tôi chỉ ăn toàn là rau tươi với trái cây. Và những
lúc khác nữa thì chỉ có rau nấu với trái cây.
Thoạt đầu, vì quen với lối
ăn uống thông thường trước đây gồm nhiều thức ăn khác nhau, nên tôi cảm thấy
đói bụng; nhưng chẳng bao lâu sau, tôi cảm thấy thích thú với một bữa ăn đơn
giản, chỉ có bánh mì đen hoặc chỉ với một loại trái cây duy nhất. Thỉnh thoảng,
một bữa ăn chỉ có rau không thôi cũng đủ làm cho tôi thích thú như một bữa
tiệc.
Ở đây, tôi không muốn
khuyên các bạn giới hạn bữa ăn của mình bằng một thức ăn duy nhất và tôi cũng
không khuyên bạn loại bỏ thịt ra khỏi thực đơn. Điều mà tôi khuyên đó là tách
rời các món ăn thuộc chất tinh bột, trái cây và rau ra khỏi thịt, cá và gà,
nghĩa là bạn không nên ăn chúng trong cùng một bữa.
Bạn có thể ăn một bữa toàn
thịt, và nếu muốn, bạn có thể dùng nhiều loại thịt khác nhau cho một bữa ăn.
Hoặc bạn cũng có thể ăn bơ, trứng và phó mát cùng với thịt hoặc bánh mì đen và
để kết thúc là cà phê đen hoặc trà. Nhưng bạn không thể kết thúc một bữa ăn như
thế với bất cứ thứ gì ngọt hay được làm bằng bột - không dùng bánh, mứt
hoặc kẹo.
Bơ là một thức ăn có thể
dung hòa được với cả hai loại thực phẩm vừa kể trên. Bạn có thể dùng bơ chung
với những thức ăn có bột hoặc chung với thịt. Sữa thì hợp với những thức ăn bằng
bột hơn. Với trà hay cà phê, bạn phải uống đen hoặc pha với ít đường, nhưng
không bao giờ nên pha chúng chung với sữa.
Việc dùng trứng một cách
thích hợp cũng là một điều thú vị và hữu ích mà tôi đã học được trong thời gian
ở tu viện. Các Lạt ma không bao giờ ăn nguyên cái trứng, trừ khi trước đó họ đã
lao động cật lực bằng chân tay. Chỉ lúc đó họ mới ăn hết một quả trứng luộc
loại trung. Nhưng thông thường thì họ ăn tròng đỏ trứng, ăn sống và bỏ tròng
trắng đi. Lúc đầu, tôi thấy việc bỏ tròng trắng trứng như thế là phí phạm vì
đây là thức ăn rất ngon; sau đó tôi mới hiểu rằng tròng trắng chỉ được sử dụng
cho cơ bắp mà thôi và ta chỉ ăn nó sau khi đã làm việc bằng cơ bắp.
Tôi vẫn biết rằng tròng đỏ
trứng là một thức dinh dưỡng, nhưng tôi chỉ hiểu giá trị thật sự của nó sau khi
nói chuyện với một người Tây Phương ở tu viện, người nầy có một sự am hiểu vững
chắc về sinh hóa. Ông giải thích rằng thông thường trứng gà có chứa đủ phân nửa
số dưỡng tố cần thiết cho não bộ, thần kinh và các cơ quan nội tạng. Và cơ thể
chỉ cần hấp thụ những dưỡng tố cần thiết nầy ở một lượng nhỏ, nhưng nó cần phải
được phân lượng sao cho thích hợp với mức độ dinh dưỡng nếu bạn thật sự muốn
được cường tráng và khỏe mạnh cả tinh thần lẫn thể xác.
Ngoài ra, các Lạt Ma đã dạy
cho tôi một điều quan trọng khác là ăn thật chậm nhằm nhai kỹ thức ăn. Nhai
thật kỹ là bước quan trọng đầu tiên để làm cho thức ăn nhuyễn đi hầu có thể dễ
dàng hấp thụ. Khi ta ăn bất cứ thứ gì, thì nó cần phải được tiêu hóa trong
miệng trước khi tiêu hóa trong dạ dày. Nếu bạn nuốt chửng thức ăn, bỏ qua giai
đoạn nhai kỹ - một giai đoạn quan trọng chủ yếu - thì như thế thức ăn sẽ
trở thành một thứ phá hoại khi nó vào đến dạ dày.
Những thức ăn có nhiều
protein như thịt, cá, gà thì bạn không cần phải nhai nhiều như những thức ăn từ
bột. Nhưng dù sao thì bạn cũng nên nhai cho nhuyễn. Nếu thức ăn càng được nhai
kỹ thì tính dinh dưỡng của nó càng gia tăng. Điều nầy có nghĩa là nếu bạn biết
nhai kỹ thức ăn thì lượng thức ăn mà bạn cần ăn sẽ giảm đi phân nửa.
Tôi đã rời khỏi tu viện ở
Himalaya sau 2 năm tập luyện và mang theo một cái nhìn mới mẻ. Có những điều
trước đây tôi xem thường vậy mà sau nầy tôi phải giựt mình kinh hãi. Một trong
những điều nầy là khi tôi đến một số thành phố tại Ấn Độ, tôi nhận thấy ở khắp
nơi người ta đã ăn uống quá độ. Tôi đã từng thấy có người chỉ trong một bữa ăn
mà họ đã tiêu thụ một lượng thức ăn tương đương với khẩu phần của 4 Lạt Ma làm
việc cật lực. Nhưng, đương nhiên là các Lạt Ma chẳng bao giờ mơ ước cho vào dạ
dày của mình đủ loại thức ăn như người đó.
Điều thứ hai làm tôi khiếp
sợ, đó là người ta đã ăn quá nhiều thức ăn trong một bữa. Vì đã quen với một,
hai món ăn trong một bữa nên có hôm tôi đã sững sờ khi đếm có cả thảy 23 món
trên bàn tiệc khoản đãi tôi. Chính vì thế mà có biết bao người trên trần gian
nầy phải thường xuyên đau ốm, bệnh hoạn, bởi họ chẳng biết gì đến sự liên quan
giữa dinh dưỡng và sức khỏe.
Ăn đúng thức ăn, có được
một sự kết hợp đúng đắn giữa các thực phẩm với nhau, ăn theo một lượng thích
hợp và ăn đúng cách, đó chính là những yếu tố để tạo ra những kết quả thần kỳ.
Nếu bạn quá mập, cách thức ăn uống vừa kể sẽ giúp bạn giảm cân; ngược lại nếu
bạn gầy yếu nó sẽ giúp bạn lên cân.
Ngoài ra còn có một số điều khác
về thực phẩm và dinh dưỡng mà tôi muốn trình bày với các bạn nhưng vì thời gian
có hạn nên tôi không thể nói ra đây. Vậy các bạn nên ghi nhớ 5 điều sau đây:
Đừng bao giờ ăn các thức làm từ
tinh bột trong cùng một bữa với thịt. Giờ đây, khi bạn còn khỏe mạnh, chúng
không làm cho bạn bị suy yếu, nhưng về lâu về dài chúng không ích lợi cho sức
khỏe của bạn.
Nếu dùng cà phê thì hãy uống cà
phê đen, không dùng sữa hay một loại kem nào khác để pha vào. Nhưng nếu cà phê
làm bạn khó chịu thì bạn hãy bỏ hẳn nó đi.
Nhai kỹ thức ăn cho đến khi nó
thành chất lỏng và giảm dần lượng thức ăn mà bạn tiêu thụ.
Mỗi ngày ăn một tròng đỏ trứng gà
tươi. Hãy ăn trước hoặc sau bữa ăn nhưng không ăn trong bữa.
Giảm các thức ăn trong mỗi
bữa của bạn xuống đến mức tối thiểu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.