Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Kỉ niệm với cố “Thị trưởng” Trần Duy Hưng

Ghi theo lời kể của Nguyễn Duy Lễ, cựu cầu thủ đội bóng đá CAHN (1969-77)

Trần Duy Hưng - vị Chủ tịch đầu tiên (30/8/1945-12/1946) và lâu nhất (1954-1977) của Thủ đô Hà Nội. Là người Hà Nội gốc, ông rất tài giỏi trong lãnh đạo, quản lí một đô thị, có tầm nhìn xa nhưng sống rất giản dị, luôn gần gũi với dân.


Cụ đến thăm đội CAHN ở đồn 17, trước trận đấu với Tuyển Cu-ba.
Thuộc lứa thanh niên lớn lên sau ngày miền Bắc hoàn toàn giái phóng 1954, đến năm 1961 vì có anh trai đang là vận động viên của Đoàn công tác TDTT quân đội (tên đầy đủ của Thể Công) mà tôi được tham gia thi tuyển. Ngày đi học hay chơi bóng đá và bảo vệ khung thành nên khi kiểm tra thể lực và chuyên môn, tôi được chọn vào luyện tập ở vị trí thủ môn, bắt phụ cho các thủ môn đàn anh: Bùi Đức, Nguyệt…

Năm 1964, tôi nhận nhiệm vụ vào tăng cường cho đội bóng đá Quân khu 4; đến 1966 thì trở lại Thể Công. Năm 1969, tôi chuyển ngành về CAHN và khoác trên mình màu áo vàng cho tới khi nghỉ hưu.


Ngày đó Hà Nội có tới 3 đội hạng A: Đường sắt, Bưu điện, CAHN nhưng dường như CAHN được coi là “đội của Thủ đô” (còn các đội kia là “của ngành”). Cũng chính vì thế mà Chủ tịch Ủy ban Hành chính Tp Hà Nội Trần Duy Hưng rất quý mến đội; thậm chí ông còn nhớ tên tuổi, biết đến đặc tính của từng cầu thủ và gia đình. Tôi coi cụ như bố mẹ đẻ của mình. (Chẳng phải vì cụ làm to mà vì cái tình, cái tâm trong con người cụ). Còn cụ coi tôi như con cháu trong nhà. Tôi có nhiều kỉ niệm với cụ.

Vị Chủ tịch luôn có mặt nơi gay cấn nhất

Cuối năm 1968, giặc Mỹ “ném bom hạn chế” ra miền Bắc. Hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán ở Paris. Nhưng đến cuối năm 1972, sau thất bại Quảng Trị, Mỹ điên cuồng ném bom trở lại, muốn “biến Việt Nam trở về thời kì đồ đá”.

Sáng ngày 11/10/1972, quãng 10g, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, mạn Bà Triệu. Buổi trưa vừa ăn cơm ở nhà ăn 82 Lý Thường Kiệt (nay là Xưởng phim Tư liệu Quân đội), tôi rủ Quang B (cùng đội) lên xem sao. Đến nơi thấy Tổng lãnh sự quán Pháp bị trúng bom. (Sau mới biết chúng muốn ném bom Trạm bá âm của Đài Tiếng nói Việt Nam, cách đó chưa đến 100m, trên đường Bà Triệu).

Đến nơi thấy cụ Hưng cùng ông Cáp Xuân Diệm, Phó giám đốc CAHN, đã có mặt. Vừa nhìn thấy tôi, cụ vẫy vào. Vì bận sắc phục công an nên cảnh sát bảo vệ cho vào, còn Quang B bị chặn ở ngoài.

Cả tòa nhà chính bị trúng rốc két. Khói bom nghi ngút, gạch đá lổn nhổn. Cả tấm sàn nhà lớn sụp nghiêng một góc. Theo cụ Hưng trèo vào bên trong thì thấy thân hình một phụ nữ người Ả Rập bê bết máu, chỉ còn một bên chân. Tôi bế cô ta ra xe cứu thương. Xe hú còi, chở nạn nhân về Bệnh viện Saint Paul. Xác cô nằm cạnh những nạn nhân người Việt.

Trở về chỗ cũ, thấy cụ Hưng vẫn còn đó, tôi thưa: "Vẫn còn sót một phần thi thể của cô ấy, bác ạ". "Thế thì anh tìm đi!", cụ chỉ thị. Theo hướng bom hắt từ phía cửa sổ, sát tường rào thấy mảnh vải rèm. Vừa lật lên, thấy cái cẳng chân đầy máu. Mấy phóng viên người nước ngoài theo sát hốt hoảng, ồ lên, lấy 2 tay che mặt. Tôi đưa cái chân của cô về Saint Paul.

Sau này nghĩ lại, thời gian đó máy bay Mỹ có thể bất chợt quay lại, có thể lại ném bom, vậy mà cụ chẳng sợ, dám phơi mặt ra cả những nơi nguy hiểm nhất. Con người cụ là thế!



Vị Chủ tịch luôn dự khán các trận thi đấu của CAHN…

Phải nói, cụ rất tình cảm với đội bóng đá. Trước mỗi trận thi đấu, gần như lần nào cụ cũng đến tận đại bản doanh của đội động viên. Anh em chúng tôi sống tập trung ở bốt Hàng Đậu (số nhà 17). Sáng, chiều đi bộ ra sân Long Biên (cách đó ngót cây số) luyện tập.

Cụ Hưng luôn xuống sân động viên đội nhà.
Những năm chiến tranh, Cu-ba dù ở xa nửa vòng trái đất nhưng vẫn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam. Ngay những năm giặc Mỹ còn “ném bom hạn chế”, Chính phủ Cu-ba vẫn cử đội bóng sang ta thi đấu. Lần đó, đội CAHN chuẩn bị thi đấu với Tuyển Cu-ba. Mọi ngày “cánh già” được ngủ qua đêm ở gia đình thì nay cũng bị “cấm trại”. Chiều hôm đó, vợ tôi đèo cháu Khôi (khi đó mới 2 tuổi) đến đơn vị thăm bố. Bố con đang hú hí với nhau thì thấy cụ Hưng bước vào. Cụ chào mọi người rồi bế cháu Khôi vào lòng rồi quay ra trò chuyện với chúng tôi.

Hầu như các trận thi đấu cả khi vào giải hay giao hữu của CAHN, cụ đều có mặt. Cụ đến xem vừa là tình cảm nhưng vừa là trách nhiệm của người đứng đầu Thủ đô. Lần nào xuống sân cụ cũng dặn, phải thi đấu hữu nghị, phải học hỏi nhưng phải chiến thắng. Những lúc thi đấu gay cấn, nhìn lên khán đài A thấy cụ ngồi cạnh Giám đốc Tâm Long, Phó giám đốc Lê Nghĩa của CAHN mà mỗi cầu thủ chúng tôi càng tăng thêm quyết tâm thi đấu.

Nghỉ giữa hiệp, cụ xuống tận đường piste động viên. Hình ảnh ấy thật hiếm với một vị đứng đầu thành phố.

… và sống tình cảm với cán bộ, chiến sĩ

Năm 1978, nhận nhiệm vụ chuyển vào đôi Cảnh sát Kinh tế CA TpHCM, tôi đã làm bữa cơm gia đình, chia tay mọi người. Không coi chúng tôi chỉ là lính tráng mà cụ cùng con trai (em Trần Chiến Thắng) đến với gia đình tôi như một người cha. Tôi còn nhớ mãi lời cụ dặn: “Anh phải dũng cảm dứt áo ra đi. Trong đó còn thiếu rất nhiều cán bộ” và cụ không quên dặn: “Có gì khó khăn thì cứ nói với bác”.
Cụ Hưng tới thăm nhà anh Lễ tại TpHCM 1980.

Đến năm 1981, có việc vào Sài Gòn, cụ đã đến thăm gia đình tôi. Thấy bọn tôi sống ở tập thể, trong một căn phòng chật chội ở 49 Lê Lợi, dù đã nghỉ hưu từ 1977 nhưng cụ vẫn mối dùng quan hệ của mình xin cho gia đình tôi một căn hộ riêng. Thế là dù xa quê hương nhưng vợ chồng tôi cũng có một tổ ấm nhờ bàn tay của cụ. Chính con cái tôi đã lớn lên và trưởng thành trong cái tổ ấm ấy. Ơn này thật lớn. Vợ chồng tôi vẫn còn giữ tấm ảnh cụ chụp cùng gia đình trong căn hộ được phân.

Ngày cụ mất, 2/10/1988, vợ chồng tôi đã ra Hà Nội chịu tang. Cụ mất đi, tôi như mất người cha sinh ra mình.

Trải qua bao nhiêu năm sống ở Hà Nội rồi ngay cả khi đã vào sống trong TpHCM, tôi luôn không quên sự quan tâm, săn sóc đặc biệt cụ dành cho mình dù chả phải con cháu ruột thịt mà chỉ là thằng lính. Nhiều khi đã tự hỏi: Phải chăng vì mình là thủ môn chính của đội CAHN, người trấn giữ khung thành, bảo vệ “màu cờ sắc áo” của “đội bóng Thủ đô” mà cụ quý, hay là vì mình có cái duyên với cụ?

Cho đến khi đã qua tuổi 70 mới nghiệm ra rằng, con người cụ thật đơn giản, là cán bộ lãnh đạo cụ có đức, có tài và sống có tình, có tâm - điều mà cán bộ thời nay phải học tập.

TpHCM, tháng 4/2012

Trần Kiến Quốc




1 nhận xét:

  1. Bài này đã gửi Báo Phụ nữ Thủ đô đăng (vì có chú em Hữu Việt là Phó TBT). Nhưng báo ta cứ cho đăng trước nhân dịp lễ 30/4 và 1/5.

    Trả lờiXóa

Nếu bạn không đăng kí mà muốn có comment thì sau khi viết nhận xét (nhớ đọc lại 1 lượt) và điền tên (hoặc nickname) của mình, rồi click vào mục "Ẩn danh" ("Chọn 1 nhận dang" ở phía dưới). Sau đó gửi nhận xét.