Kỷ niệm với Vĩ tuyến 17, năm 1965. |
Ngày 5/8/1964, sau "sự kiện Vịnh Bắc bộ", Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Bom đạn ác liệt mà nơi hứng chịu nhiều nhất là dải đất miền Trung, kéo suốt từ cuối Thanh Hóa qua Nghệ An, vào Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Vĩnh Linh. Dù chiến tranh ác liệt, đội bóng QK4 vẫn đi xây dựng phong trào, thi đấu, cổ động tinh thần cho quân dân các tỉnh. (Chả khác gì văn công!).
Đầu năm 1965, đội bóng QK4 vào khu vực Vĩ tuyến 17. Tối thứ sáu, vừa đặt chân tới thị xã Đồng Hới, nghỉ ngơi được 1 lát thì pháo Mỹ từ hạm tầu ngoài khơi bắt đầu bắn vào. Tôi và anh Đàm Thu Trang ôm nhau ngồi dưới hầm suốt từ 12g đêm đến 3g sáng. Chớp sáng, tiếng bom đạn nổ, khói mù mịt, sặc sụa mùi thuốc súng. Vậy mà chiều chủ nhật vẫn đá với Tuyển Đồng Hới.
Mấy hôm sau, cả đội lại hành quân vào Vĩ tuyến 17, đúng dịp Đại hội TDTT Vĩnh Linh. Với Thanh niên Vĩnh Linh, tuyển QK4 thắng 2-1. Bà con dù chiến tranh vẫn đến xem đông. Trước đó, ban tổ chức còn bố trí cho chúng tôi bí mật ra bờ sông, núp sau bụi tre, ngắm nhìn sang bên kia sông. Thực sự xúc động vì cả dải chữ S ấy bị chia cắt chính nơi đây. Bên này thì cuộc sống có màu xanh, trù phú; nhìn qua bên kia cầu Hiền Lương thấy bờ Nam tiêu điều, vắng bóng người. Đúng là "khu phi quân sự". Tôi còn giữ được tấm ảnh chụp từ bờ bắc Vĩ tuyến 17 qua bờ nam do Ban TDTT Vĩnh Linh tặng các cầu thủ.
Cũng tại QK4, trong trận thi đấu với Cảng Hải Phòng, tôi bị rạn xương hàm, phải nằm viện đến 3 tháng. Sống trong QK4 đến 1966, tôi nhận lệnh quay về Thể Công. Đến 1969 thì chuyển ngành về CAHN.
Với tôi lần được ra tận Vĩ tuyến 17 thật khó quên!
Quả là hiếm, bác Lễ ạ!
Trả lờiXóa